Ký ức Tết |
![]() |
![]() |
Thứ bảy, 09 Tháng 2 2013 12:24 |
Ngày bé, tôi đơn giản chỉ nghĩ Tết là dịp để vui chơi, ăn uống, để nhận tiền lì xì, nhưng bây giờ thì tôi mới hiểu, Tết không đơn thuần như những gì mà tôi vẫn nghĩ. Tết đến là một năm mới nữa lại đến, một mùa xuân nữa lại về, mọi thứ đều bắt đầu lại từ đầu. Bao nhiêu lo toan, muộn phiền đều khép lại khi thời khắc Giao Thừa đã điểm, chỉ còn lại niềm vui và hi vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Trong lòng mỗi người, ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Nhưng Tết không chỉ đơn giản là sự khởi đầu mới, Tết còn mang những nét đẹp văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Tết là những điều giản đơn nhất, bình dị nhất, ta chỉ cần hiểu và cảm nhận bằng việc quan sát xung quanh mình… Trong ký ức của tôi, Tết là khoảnh khắc tôi đếm từng giây để đón chờ thời khắc Giao Thừa, để ngắm nhìn những chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời đêm. Tôi đã trải qua 20 cái Tết trong cuộc đời mình và sắp tới đây sẽ là cái Tết thứ 21, với những cung bậc thật khác nhau của cảm xúc. Mỗi cái Tết qua đều là những kỷ niệm khó có thể nào quên, nhưng dường như Tết vẫn là một khái niệm gì đó khá mơ hồ trong tôi… Ký ức Tết trong tôi, đó là: Chuẩn bị đến Tết Bên đường, những cửa hiệu bán đồ Tết đã xuất hiện ngày một nhiều. Các cửa hàng trang hoàng nào là hoa, nào là đèn màu, rồi những chậu cây quất, hoa đào bên lối ra vào để cầu mong một năm nhiều may mắn. Những lá cờ đỏ sao vàng phất phới theo gió thật vui mắt. Dòng người xe đi mua sắm Tết làm cho không khí những ngày cuối năm càng thêm rộn rã hẳn lên. Ai cũng tươi tắn hơn và đôi mắt long lanh mơ ước một điều gì đó đẹp đến lạ lùng. Khi chúng tôi còn bé, ba mẹ không mua sắm quá nhiều vật dụng cho năm mới, mà chỉ để dành tiền mua quần áo đẹp cho chúng tôi… Nhớ lắm những lần cùng mẹ đi chợ Tết, nhớ sự hân hoan khi được mẹ mua cho chiếc ví đựng tiền nhỏ xinh. Nhớ đôi giày, nhớ quần áo mới, nhớ chiếc thắt lưng mà mẹ dặn “Chỉ được mang vào ngày Tết”... Những ngày cận Tết, mọi người cũng nhau dọn dẹp, bài trí lại vật dụng cho từng gian phòng, tôi mới thấy yêu tổ ấm của mình biết bao. Có cùng nhau sống dưới một mái nhà mới hiểu, niềm hạnh phúc có khi đơn giản là cùng làm việc để cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình… Nồi bánh chưng ông bà ngoại nấu
Thời gian trôi đi, có những sự việc sẽ trôi vào lãng quên, nhưng mỗi khi nhắc tới Tết là tôi lại nhớ tới hương Tết với những kỷ niệm canh nồi bánh chưng. Tiết trời se lạnh, mọi người cùng quây quần chụm củi, hơ lửa, kể cho nhau nghe những vui buồn trong năm cũ và đặt mục tiêu để cố gắng thực hiện vào năm sau… Quê ngoại tôi vốn là vùng nông thôn hẻo lánh, đất đai rộng, mỗi dịp Tết là lại được đoàn tụ, gặp gỡ anh chị em họ hàng rồi cùng tha hồ được trò chuyện thâu đêm bên nồi bánh chưng, khi buồn ngủ thì ngồi lên chiếc võng bên cạnh đong đưa, chẳng mấy chốc mà trời trở sáng… Những ngày cận Tết luôn khiến tôi nhớ mãi, nhớ những xúc cảm khác lạ, nhớ quê hương, nhớ hương vị thôn quê, nhớ cả những chiếc bánh chưng gói chưa đẹp mắt, nhưng ăn vào lại thấy ngon miệng vô cùng… Các món ăn ngày Tết
Tôi thích Tết không chỉ vì có nhiều điều mới, sự vui vẻ hay được mặc quần áo đẹp. Tết còn đem lại cho tôi sự thích thú khi được thưởng thức những món ăn đặc trưng… Thịt đông, bánh chưng, xôi gấc, dưa hành muối, nộm, nem rán, đầy đủ các loại mứt... Những món ăn tưởng chừng bình thường nhưng lại khiến ta ngon miệng khi vừa thưởng thức vừa được quây quần bên người thân, họ hàng mà trò chuyện rôm rả, hăng say… Cả cái Tết gói gọn vào đó… Tiền lì xì Khi còn bé, cứ đến ngày Tết là tôi “bội thu”, vì gặp ai tôi cũng có thể chúc Tết được. Nụ cười thường trực trên môi cùng những lời chúc “tủ” được chuẩn bị, tôi luôn được lì xì gấp đôi những đứa trẻ khác. Đó cũng là điều khiến tôi tự hào... Dù sắp trở thành “người lớn”, tôi vẫn thích được lì xì. Không phải vì những tờ tiền mới cáu cạnh, thẳng tắp, có những dãy số seri liên tiếp nhau, mà vì những chiếc bao màu đỏ chứa đựng bên trong sự may mắn, niềm hạnh phúc đơn giản, hay đơn giản là một hành động biểu hiện sự quan tâm, yêu thương… Đón nhận chiếc phong bao lì xì bằng hai tay, đồng thời tặng nhau những lời chúc tốt đẹp. Tết đôi khi chỉ cần như thế cũng đủ ấm áp lắm rồi…
Và.... Khi còn ở Việt Nam, bọn học sinh chúng tôi đếm từng ngày chờ Tết để được nghỉ xả hơi sau một kì học vất vả. Bây giờ nghĩ lại cái chuyện được nghỉ Tết là lăn ra ngủ cho thỏa thích, nghĩ lại mà thấy tiếc, vì đã để thời gian trôi qua vô vị… Mỗi khi Tết đến, tôi chỉ mong được có dịp tụ tập bạn bè cũ ngày xưa, cùng vui chơi, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, mặc thời gian trôi. Một nét đặc trưng khác trong dịp Tết, đặc biệt là với học sinh sinh viên - đó là khai bút ngày mùng một Tết. Đôi khi đó chỉ là việc giải một bài toán hay viết một bài văn, nhưng nó sẽ đem lại may mắn trong con đường học hành suốt cả năm đó. Và ngược lại, nếu không tập trung thì chuyện học hành năm đó sẽ bị chểnh mảng. Tôi vẫn còn nhớ những đêm Giao Thừa, tôi ngồi trong nhà và vẫn thường hay nghe thấy tiếng rao của những cô bán muối. Gia đình tôi không bao giờ quên mua một túi muối để cầu may trong năm mới. Theo quan niệm của người Việt, muối tượng trưng cho sự mặn mà, vì thế mà đầu năm mua thứ ấy thì cả năm sẽ được vui vẻ, may mắn. Tôi yêu Tết Nguyên Đán, yêu cái Tết cổ truyền của dân tộc. Tết là một phần ký ức tuổi thơ tôi, đã ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay. Nó luôn đem đến cho con người những khởi đầu mới, những điều mới mẻ để con người cùng nhau khám phá. Và quan trọng hơn, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng biệt tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trung Anh. Báo “Tuần tin Quê hương” số 354. |