Tà áo dài trên đất khách |
![]() |
![]() |
Chủ nhật, 31 Tháng 3 2013 13:09 |
Thời nay, chiếc áo dài phụ nữ đã trở thành một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời, được tôn vinh là niềm tự hào của trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Năm 1970, tại hội chợ quốc tế O-sa-ka (Nhật Bản), chiếc áo dài của phụ nữ Việt nam đã đoạt huy chương vàng về y phục dân tộc. Khách quốc tế trầm trồ và ngây ngất khi ngắm nhìn những vạt áo dài lả lơi như những cánh bướm trước gió. Nó vừa kín đáo, vừa e ấp, vừa phô bày được những nét đẹp kiều diễm, mảnh mai của người phụ nữ Việt Nam. Ngoài vẻ đẹp văn hóa, áo dài còn có ý nghĩa đạo lí. Người xưa dạy rằng: Hai tà áo (hai vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Cái yếm che trước ngực nằm giữa những chiếc áo ngoài tượng trưng cho hình ảnh mẹ ôm ấp con vào lòng. Năm khuy cài nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khi mặc áo dài tứ thân, người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau cho chiếc áo cân đối, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng chung thủy bên nhau. Và thật vậy, chúng ta những người Việt Nam ở Kharkov rất ít khi nhìn thấy những tà áo dài tại đây. Ở quê hương Việt Nam chúng ta có thể mỗi sớm mai bắt gặp những thiếu nữ mặc áo dài trắng thướt tha đến trường. Còn ở Kharkov chúng ta nói riêng và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, hầu như chúng ta chỉ được thấy tà chiếc áo truyền thống tại những buổi lễ tiệc, đám cưới, những ngày hội, hay ngày Tết. Đó là những lúc các cô gái Việt nhớ về quê hương, gửi vào tà áo những nét đẹp thanh khiết và dịu dàng, còn các đấng nam nhi thì lại muốn được chiêm ngưỡng từng nét đẹp của người con gái Việt Nam trong trang phục truyền thống đó. Dù người Việt Nam có đi đâu, trong hành trang của những người phụ nữ luôn có bộ trang phục áo dài truyền thống. Riêng ở Kharkov, chị em phụ nữ có điều kiện khá thuận lợi, vì có những nhà may tay nghề cao, nên mọi người có thể đặt may áo dài ngay tại đây, thay vì mang từ trong nước sang. Thật đẹp sao khi người con gái Việt mặc trên mình bộ trang phục truyền thống đến những nơi công cộng, những con mắt của người địa phương đã sáng rực lên vì vẻ đẹp khó tả, từ những nét gấp áo, những đường cong đằm thắm của phụ nữ châu Á. Có trường hợp tôi cùng bạn đi chụp ảnh cho các bạn nữ trong tà áo dài ngoài trời. Ngay khi bạn mẫu bước ra với bộ trang phục truyền thống đó, đã có bao ánh mắt nhìn của người địa phương ngưỡng mộ, trầm trồ. Họ không ngớt lời khen ngợi về bộ trang phục độc đáo, có phần cổ điển nhưng lại rất thanh nhã. Có cả những người vội vàng chụp những bức ảnh, có khi còn muốn cùng bạn mẫu đó chụp hình chung để có thể khoe với bạn bè về bộ trang phục tuyệt vời như thế. Cách đây cũng không lâu, trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, tại hội trường Sun City 2 Hội phụ nữ tổ chức một buổi liên hoan cho phụ nữ Việt Nam tại Kharkov, tôi thật sự ngỡ ngàng trước các cô các mẹ trong tà áo dài, nhìn vào cả khán phòng rộng thêng thang với biết bao người phụ nữ xinh đẹp, mang trên mình cả một truyền thống, một đức tính và vẻ đẹp Việt Nam. Hay cách đây không lâu, tôi đến dự một cuộc hội thảo về các nước trên thế giới. Khi nhìn thấy những tà áo dài duyên dáng lướt qua, tôi nhận ra ngay, nhưng khi để ý kỹ thì lại do những cô gái Ucraina mặc. Những vóc dáng Âu khi đó sao lại trở nên thuần Việt đến thế! Những nụ cười tươi rói làm tôi nghĩ: Chiếc áo dài Việt trên đất khách quả thật đắt giá và là niềm tự hào lớn của cả dân tộc Việt Nam. Những năm tháng sống ở Kharkov là những lúc phải quen với nhiều thứ xa lạ như đồ ăn, khí hậu, cuộc sống. Nhưng người Việt Nam xa quê hương không thể quên đi được những phong tục, tập quán và tà áo dài truyền thống. Tôi luôn tự hào về nó khi được nhìn thấy bóng áo dài thướt tha trong những ngày gió, trên đất trời Ucraina. Và niềm tự hào đó chắc sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí mỗi con người Việt Nam. Lưu Quỳnh Trang. Báo “Tuần tin Quê hương” số 356. |